Văn phòng BTS->Thông báo->Nội quy BTS Phật Giáo Thành phố Vũng Tàu  
Nội quy BTS Phật Giáo Thành phố Vũng Tàu
 

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM        CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

      THÀNH PHỐ VŨNG TÀU                            Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

              BAN TRỊ SỰ

Vũng Tàu, ngày 12 tháng 9 năm 2016

 

NỘI QUY HOẠT ĐỘNG

BAN TRỊ SỰ PHẬT GIÁOTHÀNH PHỐ VŨNG TÀU

 

- Căn cứ vào Quy chế hoạt động cấp huyện được HĐTS GHPGVN ban hành vào ngày 20/01/2014 gồm 4 chương và 23 điều;

- Căn cứ Quyết định số 325/QĐ/BTS ngày 07/9/2016 của Ban Trị sự GHPGVN tình Bà Rịa – Vũng Tàu, về việc chuẩn y thành phần nhân sự Ban Trị sự GHPGVN thành phố Vũng Tàu nhiệm kỳ 2016 - 2021;

- Căn cứ vào vai trò, chức năng, nhiệm vụ của từng cá nhân trong Ban Trị sự GHPGVN thành phố Vũng Tàu;

- Căn cứ vào phiên họp ngày 12/9/2016 tại chùa Liên Trì của Ban Trị sự GHPGVN thành phố Vũng Tàu;

Nay, Ban Trị sự GHPGVN Thành phố thông qua Nội quyhoạt động như sau:

 

I. NHIỆM VỤ CÁ NHÂN

 

1.Trưởng Ban Trị sự:

- Là người đại diện tư cách pháp nhân, pháp lý trong các quan hệ với Nhà nước và các Tự viện, Tăng Ni trong phạm vi địa giới hành chánh cấp huyện, chịu trách nhiệm chung các hoạt động của Phật giáo Thành phố.

- Nhận Quyết định trực tiếp từ Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh và có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh và tập thể Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện về mọi hoạt động Phật sự.

- Trưởng Ban Trị sự được quyền ký thư triệu tập các kỳ họp định kỳ hoặc bất thường. Trưởng Ban Trị sự phải tham dự các kỳ họp do Thường trực Ban Trị sự triệu tập, nếu vắng mặt phải có lý do chính đáng và phải báo cáo với Thường trực Ban Trị sự.

- Trưởng ban Trị sự giữ vai trò người phát ngôn chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện, hoặc ủy nhiệm cho Phó Trưởng ban Thường trực hay các vị Phó ban bằng văn bản thi hành.

Trường hợp Trưởng Ban Trị sự khuyết nhiệm, vị Phó Trưởng ban Thường trực quyền Trưởng ban Trị sự đến mãn nhiệm kỳ (nếu thời gian gần mãn nhiệm kỳ) hoặc sẽ hợp thức hóa trong phiên họp khoáng đại của Ban Trị sự và có biên bản, công văn đề nghị Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh chuẩn y bằng một quyết định (nếu thời gian của nhiệm kỳ còn dài).

2. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự kiêm Trưởng ban GDTN:

- Phụ tá Trưởng ban Trị sự tổ chức triển khai, thực hiện các Phật sự theo tinh thần các nghị quyết, chương trình hoạt động Phật sự, sự phân công của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp Huyện.

- Nếu Trưởng ban Trị sự đi vắng hoặc có duyên sự đặc biệt thì Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự được quyền xử lý các công việc của Ban Trị sự do Trưởng ban Trị sự ủy quyền, đồng thời Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự cũng phải chịu trách nhiệm trước Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện về công việc màPhó Trưởng ban Thường trực trực tiếp giải quyết.

- Một số trường hợp có thể thay thế Trưởng ban ký các văn bản hành chánh mang tính nội bộ trong phạm vi cấp huyện.

- Chịu trách nhiệm quản lý và kiểm soát các hoạt động của văn phòng và các văn bản hành chánh.

- Phụ trách về công tác giáo dục của Phật giáo Thành phố, Chủ nhiệm lớp Sơ cấp Phật học (nếu có).

 

3. Các Phó Trưởng ban Trị sự:

Tùy theo yêu cầu được kiêm nhiệm một ngành chuyên môn trong Thường trực Ban Trị sự.

a. Phó ban kiêm Trưởng ban Tăng sự:

- Phụ trách các vấn đề quản lý Tăng Ni tự viện, các vấn đề về sinh hoạt tôn giáo, An cư kiết hạ, các kỳ Bố - tát.

- Có thể thừa ủy quyền của Trưởng ban Trị sự giải quyết các tranh chấp nhân sự hoặc các vấn đề liên quan đến tố tụng.

 

b. Phó ban kiêm Trưởng ban Hoằng pháp:

- Phụ trách vấn đề hoằng pháp, phân công giảng sư đến các đạo tràng, soạn thảo tài liệu giảng dạy cho ngành Hoằng pháp

- Liên hệ chặt chẽ với Ban Hoằng pháp tỉnh để nắm bắt các Thông tư, văn bản hướng dẫn liên quan đến hoằng pháp.

 

c. Phó ban kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế:

- Phụ trách các vấn đề liên quan đến Phật giáo quốc tế. Nắm bắt các hoạt động của các Tu sỹ nước ngoài đến địa bàn Vũng Tàu truyền giáo.

- Có thể thay Ban Trị sự thỉnh mời các vị giảng sư ở nước ngoài về giảng dạy tại địa bàn.

 

4. Chánh Thư ký:

-Chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động của Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện; tổng hợp tình hình và đề xuất biện pháp thực hiện các hoạt động Phật sự tại địa phương phù hợp với nghị quyết, chương trình hoạt động của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh và cấp huyện.

- Dự thảo các văn bản hành chánh, báo cáo sơ kết, tổng kết năm và nhiệm kỳ, hoạch định nội dung các kỳ họp của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện. Thừa lệnh Trưởng ban Trị sự ký các văn bản hành chánh.

- Chịu trách nhiệm thực thi sự chỉ đạo của Trưởng ban và Phó Trưởng ban Thường trực về các soạn thảo văn bản hành chánh.

 

5. Phó Thư ký:

Phụ tá Chánh Thư ký soạn thảo các văn bản hành chánh và liên hệ văn thư với văn phòng Ban Trị sự tỉnh cũng như các cấp Chính quyền.

 

6. Trưởng ban Kinh tế Tài chánh, Ủy viên Thủ quỹ:

- Có trách nhiệm phối hợp với Thư ký Ban Trị sựđôn đốc việc vận động các nguồn tài chánh do Thường trực Ban Trị sự chỉ đạo và cho phép.

- Việc thu chi phải được Trưởng Ban Trị sự hoặc Phó Trưởng ban Thường trực ký duyệt với tư cách là chuẩn chi viên và được báo cáo tại các kỳ họp định kỳ của Ban Trị sự.

- Quản lý mọi nguồn tài chánh của Ban Trị sự.

 

7. Trưởng ban Kiểm soát:

- Có nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc và góp ý vào việc triển khai các nghị quyết, chương trình hoạt động Phật sự, các đường lối chính sách của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện.

- Có trách nhiệm theo dõi các Phật sự trong huyện và chịu trách nhiệm ký xác nhận vào báo cáo tài chánh của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng cấp.

 

8. Các Trưởng ban chuyên ngành:

- Các Trưởng ban chuyên ngành thuộc Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện khi được phân công đảm nhiệm Phật sự, mọi hoạt động phải theo đúng những quy định của Nội quy các Ban, Viện Trung ương Giáo hội; các nghị quyết, chương trình hoạt động do Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh và cấp huyện hoạch định.

- Mỗi quý, các Trưởng ban chuyên ngành phải báo cáo công tác chuyên ngành lên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng cấp; đồng thời báo cáo theo hệ thống dọc về Ban ngành trực thuộc Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh.

a. Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử:

- Phụ trách hoạt động của các đạo tràng và các Gia đình Phật tử Thành phố.

- Có nhiệm vụ liên hệ chặt chẽ với Ban HDPT tỉnh để nắm bắt thông tin và tình hình hoạt động của ngành.

- Có thể xin phép Ban Trị sự tổ chức khóa tu mùa hè cho các em thanh thiếu nhi hay tổ chức Hội thi giáo lý cấp huyện cho các đạo tràng trong Thành phố.

 

b. Trưởng ban Nghi lễ:

- Phụ trách các vấn đề liên quan đến nghi lễ tôn giáo.

- Có trách nhiệm điều phối, phân công nhân sự trong các buổi lễ của Giáo hội.

- Thực hiện đúng theo nghi thức phổ thông của Giáo hội.

 

c. Trưởng ban Văn hóa:

- Phụ trách các vấn đề văn hóa của Ban Trị sự, như trang trí lễ hội, biên soạn danh mục tự viện, xây dựng các chương trình, mô hình lễ hội văn hóa mang tính xã hội, cộng đồng.

- Có nhiệm vụ tuyên truyền văn hóa lành mạnh của Phật giáo, bài trừ các hủ tục mê tín dị đoan ở các tự viện.

 

d. Trưởng ban Thông tin truyền thông:

- Phụ trách các vấn đề truyền thông, các tin tức liên quan đến Phật giáo

- Xây dựng và quản lý trang web Phật giáo thành phô Vũng Tàu.

- Phân công nhân sự đến các tự viện lấy tin tức khi có tổ chức sự kiện

 

e. Trưởng ban Pháp chế:

- Phụ giúp Ban Trị sự và Ban Tăng sự các vấn đề liên quan đến pháp luật hay tranh chấp, tố tụng của các tự viện

- Tham mưu cho Ban Trị sự cách giải quyết các tranh chấp liên quan đến Giáo hội.

 

g. Trưởng ban Từ thiện xã hội:

- Phụ trách công tác từ thiện của Giáo hội

- Xây dựng kế hoạch từ thiện, vận động các mạnh thường quân ủng hộ cho công tác từ thiện của Giáo hội.

 

h. Trưởng Phân ban Ni giới:

- Phụ trách các hoạt động của Ni giới Thành phố

- Tham mưu, báo cáo cho Ban Tăng sự các vấn đề liên quan đến Ni giới để Ban Tăng sự đệ trình Thường trực Ban Trị sự giải quyết.

 

II. HÀNH CHÁNH GIÁO HỘI

- Các Tự viện hoặc chư tôn đức Tăng Ni có nhu cầu về thủ tục hành chánh thì nộp hồ sơ trực tiếp về văn phòng để Thường trực Ban Trị sự xử lý.Bộ phận văn phòng có nhiệm vụ tập trung hồ sơ và trình lãnh đạo Ban Trị sự giải quyết.

- Các hồ sơ sẽ được lưu lại một bản trong văn phòng

- Văn phòng chỉ nhận hồ sơ vào giờ hành chánh. Sáng từ 7h00 – 11h00, chiều từ 13h30 – 17h00 từ thứ hai đến thứ bảy.

- Khuôn dấu tròn của Ban Trị sự sẽ để tại văn phòng của Ban Trị sự do vị phụ tá văn phòng quản lý, giữ gìn cẩn mật.

 

III. TỔ CHỨC HỘI NGHỊ

- Ban Trị sự GHPGVN Thành phố sẽ tổ chức hai lần hội nghị. Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và Hội nghị Tổng kết cả năm tại văn phòng Ban Trị sự.

- Tổ chức các phiên họp tập chung toàn thể Tăng Ni Thành phố để chuẩn bị Đại lễ Phật đản, An cư kiết hạ, Tổng kết cuối năm hoặc các Phật sự trọng phát sinh khác.

- Tổ chức họp Ban Thường trực vào các kỳ Bố - tát cuối tháng để triển khai, giải quyết các Phật sự cần thiết.

 

Trên đây là Nội quy hoạt động của Ban Trị sự GHPGVN thành phố Vũng Tàu nhiệm kỳ 2016 - 2021, đã được tập thể Ban Trị sự GHPGVN TP. Vũng Tàu thông qua vào ngày 12 tháng 9 năm 2016 tại chùa Liên Trì.

Bài viết mới:
Các bài viết khác...