Ngày 07-4-2017, tại chùa: Chùa Tam Quang, 131 Mountain, Choeup–dong, Busan Jin –gu.
(Sam Kwang Temple – 삼광사 연등축제, 부산광역시 부산진구 초읍동산 131).
Vào lúc 6 giờ sáng nay, máy bay mang số hiệu OZ736 của hãng hàng không ASIANA AIRLINES…đã đưa chư Tăng Ni, Phật tử Viện Chuyên Tu đến sân bay quốc tế Incheon, Seoul – Hàn Quốc. Qua 6 tiếng đồng hồ di chuyển về chùa Tam Quang, 131 Mountain, Choeup–dong, Busan Jin –Gu, đoàn đến Busan – thành phố cảng lớn nhất của Hàn Quốc với dân số khoảng 4 triệu người, chỉ sau Seoul. Khi chúng tôi đến Busan, thành phố là những tòa nhà cao tầng, nằm san sát, trắng ngần, khoát lên mình những rặng hoa anh đào sắc hồng nhạt quyện với ráng chiều, tung mình trong gió xuân se lạnh.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia nhiều đồi núi nhất thế giới, ¾ diện tích của xứ này là núi. Những ngọn đồi thấp ở miền Nam và miền Tây dần dần lên cao khi chạy đến miền Bắc và miền Đông. Chính vì đặc điểm này, thành phố Busan cũng trải dài theo nhiều dãy núi, xa xa ẩn mình trong những rặng cây, tạo nên một bức tranh thanh bình, vững chãi.
Đoàn Việt Nam gồm có 46 người, trưởng đoàn TT. Thích Thiện Thuận cùng chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử, được diện kiến, đảnh lễ chư Tôn đức trong phái đoàn hoằng pháp đến từ Châu âu và Mỹ như: Hòa thượng Thích Như Điển, Phương trượng chùa Viên Giác, Đức Quốc; TT. Thích Thông Triết, trụ trì Thiền viện Chánh Pháp, Hoa Kỳ; TT. Thích Hạnh Bảo, Trụ trì chùa Liên Tâm, Phần Lan; ĐĐ. Thích Hạnh Tuệ, ĐĐ. Thích Viên Giác, NT. Thích nữ Thuần Trí, NS. Thích nữ Diệu Phước… Như vậy, khóa tu lần này đã có phước duyên thù thắng được cung đón những bước chân an lạc của 30 vị chư Tôn đức đến từ 9 quốc gia, gồm: Đức, Anh, Pháp, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Hòa Lan, Hoa Kỳ, Việt Nam. Toàn đoàn 72 thành viên. Tất cả trở về xứ sở Kim Chi này để tiếp tục sự nghiệp hoằng truyền chánh pháp cao cả.
Được diện kiến Đoàn Hoằng pháp đến từ các nơi, lòng chúng tôi lại bồi hồi nhớ về thuở xưa, đoàn truyền giáo đầu tiên tại Sanath, Ấn Độ năm xưa. Đó chính là 60 vị A-lan-hán đầu tiên trong giáo đoàn của đức Phật với lời hiệu triệu:
“Này các Tỳ-kheo, hãy lên đường vì lợi lạc của nhiều người, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của trời và người”. (Kinh Tương Ưng V, phẩm Đại Thiên).
Gần 3 thế kỷ sau, khi thanh lọc giáo hội Tăng-già và Đại hội Kết tập kinh điển kì III ra đời, vua Asoka muốn cho chánh pháp của đức Phật truyền bá sâu rộng vào các quốc gia lân cận và để duy trì tinh hoa của Phật pháp về sau, nhà vua thỉnh ý các vị A-la-hán đương thời, đặc biệt là Trưởng lão Mục-kiền-liên Đế-tu (Moggaliputta Tissa). Với kế hoạch hoằng dương chánh pháp, thiếp lập các đoàn truyền giáo gửi đi khắp nơi của vua Asoka được chư vị A-la-hán hoan hỷ tán đồng. Chẳng bao lâu, 9 phái đoàn được thành lập, bắt đầu lên đường truyền bá chánh pháp của đức Phật Gotama.
… Rồi từng đoàn người đi …
Rồi từng đoàn người đi…
Đi từ thành Kalinga
Kinh đô của Ánh Sáng
Đi từ hồn Asoka
Nguồn lửa của Từ Bi
Đạo theo đoàn khất sĩ
Kinh theo nẻo vân du
Hành trang: một bình bát
Võ khí: một lòng tu
Đốt lên từng ngọn đuốc
Kéo qua cõi Diêm phù
Đường đi dầu có vi vu
Núi rừng dầu có hoang vu
Truông đèo dầu bao chớn chở
Sông ngòi dầu bao trắc trở
Hiểm nguy dầu khắp nẻo chắn đường tu
Nhưng Sứ Giả của Như Lai có bao giờ nhũn bước?
Nhưng Chiến Sĩ của Tình Thương có bao giờ lỗi ước?
Hào quang khoác áo chinh phu
… Và Pháp Phật tràn lan như sóng nước
Và Bồ Đề bóng ngả mát mười phương
Từ kinh kỳ ra hải ngoại
Nối liền lục địa với trùng dương
Pháp nào là chẳng Pháp Phật ?
Tâm nào là chẳng Tâm Thương ?
TUNG ra thì đạo mở muôn đường
Khép lại thì bặt từng mảy bụi
Ai ngàn xưa mở núi
Ai ngàn sau hành hương
Thấy chăng trong nhịp hoằng dương
Bóng Người Hộ Pháp lồng khuôn Phật đà ?
(Trường ca Kalinga, Trúc Thiên)
Ban Biên tập chia sẻ vài hình ảnh ngày đầu tiên của Khóa Tu học Phật pháp lần thứ 5 này:







Nơi đây, khi diện kiến tôn nhan chư tôn đức đầy nét cương nghị, thể hiện qua những bước vân du kế thừa truyền thống từ ngàn xưa, nhằm củng cố niềm tin của nhân loại vào Chánh pháp, làm cho Phật pháp tỏa rạng muôn phương.
Trong đoàn, Hòa thượng Phương trượng chùa Viên Giác – Đức Quốc vẫn nét mặt từ hòa, dung dị, bước chân vẫn vững chãi mặc cho tuổi tác đã cao, đương nhiệm với nhiều công việc ở Âu Châu nhưng đã thuận tình, nhận lời cầu thỉnh của Thượng tọa Trưởng đoàn Thích Thiện Thuận về tham gia, cố vấn, và chứng minh cho KHÓA tu học tại Hàn Quốc lần thứ 5, từ ngày 07 đến 17 tháng 4 năm 2017, với chủ đề “Thiền Tịnh Song Tu”.
Đối với những ai từng du học tại nước ngoài đều biết được tấm lòng cao cả của Hòa thượng qua Chương trình Học bổng chùa Viên Giác. Ngài đã cùng chư Tăng Ni chùa Viên Giác bên Đức tài trợ, trao học bổng cho rất nhiều Tăng Ni du học tại các nước như: Đài Loan, Ấn Độ, Trung Quốc… Hòa thượng chính là bậc Tôn túc luôn dẫn đầu về hạnh nguyện “trồng người” trong tinh thần “Duy tuệ thị nghiệp”. Trong tình thương bao la của Hòa thượng, bản thân chúng tôi cũng đã từng hưởng được ân huệ ấy qua những tháng ngày du học tại Ấn độ.
Cũng như ở hầu hết các nước phương Đông, khi Phật giáo chưa du nhập vào Hàn Quốc thì Nho giáo đã có mặt và bám rễ sâu trong đời sống văn hóa xã hội đất nước này. Mặc dù vậy, Phật giáo cũng có mặt trên đất nước Hàn Quốc tương đối sớm và có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội người dân xứ Hàn.
Khi Triều Tiên được giải phóng khỏi ách nô lệ của Nhật sau đệ nhị thế chiến, Nam Hàn trải qua một thời kì biến loạn vì quan niệm tự do dân chủ mà Tây phương hay nói đúng hơn là Hoa Kì đã mang lại cho Nam Hàn. Một nhà báo người Anh, vào thời Syngman Rhee (1948-1961) đã nhận định:
“Kỳ vọng có dân chủ tại nam Hàn không khác gì kì vọng đóa hoa hồng mọc trong thùng rác. Giữa tình thế chính trị hỗn loạn và nghèo đói sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), dân Nam Hàn không làm sao đủ sức để đương đầu với trọng trách xây dựng thể chế dân chủ tại Nam, Bắc Triều Tiên, mặc dầu cả hai đã cho mình là tiền phong của phong trào dân chủ, tự do. Thực vậy, dân Triều Tiên không có đủ thời giờ để nghiền ngẫm, chứ đừng nói để áp dụng nguyên tắc dân chủ, xem như là mô hình để cai trị đất nước. Dân Triều tiên bỗng nhiên bị bắn từ “phòng tối” của thực dân thuộc địa vào “ánh sáng mặc trời” từ ngoài đưa vào nguyên tắc dân chủ của dân, vì dân, do dân. Ngoài ra, trước khi còn thì giờ để chiêm nghiệm dân chủ, Triều Tiên đã bị đẩy vào thế tương tranh của hai thế lực quốc tế trong cuộc chiến tranh lạnh. Nhưng hào quang dân chủ đã làm cho nhiều người chói mắt, nhiều sinh viên, thanh niên đã lao mình vào lý tưởng dân chủ để rồi bị nghiền nát hay chôn thân vào sức nặng dân chủ mà họ chưa mấy quen thuộc. Trong nỗi niềm thất vọng vô bờ bến ấy, một số học giả đã miệt mài tìm kiếm gia tài dân chủ trong văn hóa truyền thống, làm niền tảng cho một xã hội mới, họ đến với Phật giáo”.
Đạo Phật truyền từ Trung Quốc sang bán đảo Hàn Quốc, và bị ảnh hưởng sâu sắc bởi Phật giáo Đại thừa Trung Quốc. Cho tới nay, đạo Phật đã tồn tại ở Hàn Quốc khoảng 1.600 năm và trong suốt giai đoạn lịch sử đó, đạo Phật đã hình thành một tôn giáo truyền thống và tạo nên một nền văn hóa đặc trưng cho đất nước này.
Tuy nhiên do hậu quả của hàng ngàn năm gắn bó với thể chế vương triều, lơ là trong sứ mệnh hoằng pháp, hàng trăm năm dưới chính sách đàn áp của nhà Lý, hàng chục năm dưới ách cai trị của Nhật Bản, và hậu quả đối nghịch giữa hai phái Cựu tăng, Tân tăng, và áp lực hiện đại hóa, phát triển kinh tế tại Đại Hàn đã làm cho Phật giáo gặp khó khăn, mất dần sức sống chỉ đạo và đang vùng vẫy để có thể tồn tại.
Ngày nay, thay vì tiếc nuối với quá khứ huy hoàng đã trôi qua, các nhà cải cách Phật giáo Đại Hàn đang cố gắng đem lại tinh thần dân chủ của Phật giáo nguyên thủy vào xã hội hiện đại. Để cùng chung tay gióng lên tiếng chuông tỉnh giác, nhằm lan tỏa ánh sáng Phật pháp đến Phật giáo Hàn Quốc nói chung, và đối với cộng đồng Phật tử Viện Chuyên Tu tại Hàn Quốc nói riêng, với sự đoàn kết, hòa hợp, hữu nghị, tình bằng hữu, cùng với sứ mệnh hoằng dương chánh pháp và trong niềm thệ nguyện vô biên ấy, được sự chứng minh của Trưởng lão Hòa thượng Thích Như Điển – Phương trượng Tổ đình Viên Giác, cùng sự trợ duyên của Trưởng lão Hòa thượng Se Woon – Trụ trì chùa Tam Quang, Viện Chuyên Tu tại Việt Nam chúng tôi phối hợp cùng chư Tôn đức tại các quốc gia: Đức, Hoa Kỳ, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch tổ chức khóa tu học Phật pháp tại Hàn Quốc lần thứ 5 tại chùa Tam Quang nhằm tiếp nối và phát huy giá trị nhập thế bất tuyệt của Phật giáo tại xứ sở Kim Chi này.
Theo chương trình, sau khi dùng cơm tối xong, Đại đức Thích Hạnh Tuệ chia sẻ thời pháp thoại ngắn với đại chúng với chủ đề: “Thượng cầu Phật đạo” nhằm khuyên Phật tử chí cầu Phật đạo giữa cuộc đời vô thường, giả tạm này.
Thời thuyết giảng do ĐĐ. Thích Hạnh Tuệ phụ trách

Nguồn vienchuyentu.com
Bài viết mới:
Các bài viết khác...
|